Từ vị trí mặt đất ngay dưới giếng trời, một cây cổ thụ 700 năm tuổi xuyên thẳng lên mái, tạo nên một cảnh tượng thú vị và kỳ vĩ ngay tại trung tâm ga xe lửa. Hình ảnh này gợi nhớ đến ga xe lửa trong bộ phim hoạt hình Laputa - Lâu đài trên không nổi tiếng của Nhật Bản.
Ga Kayashima được đưa vào hoạt động từ năm 1910. Vào thời điểm đó, cây long não đã hiện diện bên cạnh nhà ga. Đến năm 1970, do quá tải về lượng khách lưu thông, những kế hoạch nới rộng nhà ga và loại bỏ một số cây xanh đã được áp dụng, gây nên sự nuối tiếc lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, cây long não 700 năm tuổi này có sự gắn bó một cách linh thiêng khó tả với ga xe lửa. Một sự gắn kết âm thầm, đan xen và nương tựa lẫn nhau giữa thiên nhiên và bàn tay con người. Từ xa xưa người ta đã tin rằng cây long não có thần tính. Nhiều câu chuyện kỳ lạ được truyền tai nhau đề cập đến việc con người phải tôn kính thiên nhiên, có câu chuyện lại mang màu sắc mê tín dị đoan. Chẳng hạn như chuyện về những ai phụ trách đốn hạ cây đều gặp xui xẻo; chuyện có người từng trông thấy một con rắn trắng quấn quanh thân cây hay có khói bốc ra từ thân cây.
Bên cạnh đó, việc đốn hạ còn gặp phải làn sóng phản đối lớn của những người dân địa phương. Qua nhiều cố gắng tranh đấu, các quan chức Nhật Bản cuối cùng đã đồng ý và cam đoan sẽ giữ lại cây cổ thụ 700 năm tuổi này.
Năm 1973, một bản thiết kế khác thay thế, cây long não cao khoảng 20m, đường kính 7m được rào lại ngay khu vực trung tâm ga, mọc xuyên qua hai tầng lầu, đứng cạnh thang cuốn. Tán cây to, rộng, có thể nhìn thấy từ xa. Ngày nay, trạm tàu điện Kayashima phía bắc Osaka nổi tiếng khắp xứ sở hoa anh đào bởi sự tồn tại của cây long não cổ thụ.
Với thiết kế độc đáo, mang dấu ấn kết hợp giữa thiên nhiên và kiến trúc, nhà ga Kayashima không chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại hàng ngày của mọi người, mà còn lưu giữa được biểu trưng và văn hóa của người Nhật. Thiên nhiên là người bạn đáng trân quý của nhân loại, thế nên chọn cách sống chan hòa cùng thiên nhiên là một quyết định không thể đúng đắn hơn.